Giới thiệu tổng quan về nền giáo dục tại Hoa Kì

Nền giáo dục Hoa Kỳ cung cấp cho sinh viên quốc tế rất nhiều sự lựa chọn. Các cơ quan giáo dục của Mỹ không chỉ ở phạm vi trên khắp lãnh thổ quốc gia mà còn mở rộng ra thế giới, với nhiều địa điểm và chương trình đào tạo. Để việc lựa chọn đơn giản hơn, sinh viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng mỗi chương trình và vị trí của trường đào tạo sao cho đáp ứng tốt nhất mục tiêu đặt ra. Để có được quyết định đúng đắn nhất, học sinh trước hết cần hiểu rõ nền giáo dục Hoa Kỳ.

Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

Hầu như tất cả mọi người dân Hoa Kỳ đều hoàn thành 12 năm học tiểu học và trung học. Với tấm bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học, học sinh có thể học lên cao đẳng cộng đồng, đại học, trường dạy nghề và các trường chuyên nghiệp khác.

Trường tiểu học và trung học.

Học sinh 6 tuổi có thể bắt đầu học chương trình tiểu học, chương trình này kéo dài từ 5 đến 6 năm. Sau đó học sinh học tiếp lên trung học, bậc học này bao gồm hoặc 2 chương trình 3 năm, hoặc 1 chương trình 3 năm và 1 chương trình 4 năm. Các chương trình này được gọi là “middle school” hoặc “junior high school” và “senior high school” (thường gọi là “High School). Chương trình tiểu học và trung học bao gồm 12 lớp.

Giáo dục bậc cao (Higher Education).

Sau khi hoàn thành lớp 12 của chương trình trung học, học sinh Hoa Kỳ có thể tiếp tục học lên cao đẳng hoặc đại học. Chương trình cao đẳng hoặc đại học được gọi là “Higher Education”. Hệ thống giáo dục của Việt Nam giống của Mỹ, nên học sinh kết thúc lớp 12 tại Việt Nam có thể xin nhập học cao đẳng hoặc đại học của Mỹ (Có thể cần thêm chứng chỉ tiếng Anh TOEFL/IELTS và SAT/ACT).

Học tại một trường cao đẳng hoặc đại học để lấy bằng cử nhân được gọi là chương trình “Undergraduate”. Sau chương trình Cử nhân là chương trình “Graduate” hoặc “Postgraduate”.

Bạn có thể học chương trình”Higher Education”ở đâu?

Các trường đại học công lập và cao đẳng công (Cao đẳng cộng đồng).

Trường công được hỗ trợ và điều hành bởi nhà nước hoặc chính phủ địa phương. Ở mỗi bang của Hoa Kỳ có ít nhất một trường đại học công và có thể có nhiều trường cao đẳng công. Tên một số trường công ở Hoa Kỳ có từ “State”.

Một trường cao đẳng cộng đồng đào tạo 2 năm chấp nhận học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, và trao bằng “Associate’s Degree”. Tại Việt Nam, xu hướng đi học tại các trường Cao đẳng cộng đồng đang tăng. Có 3 lí do.Thứ nhất, yêu cầu đầu vào thấp học, học phí thấp hơn so với học tại Đại học.Thứ 2, học 2 năm tại Cao đẳng cộng đồng với chi phí thấp, sau đó chuyển sang năm 3 Đại học công để hoàn thành bằng cử nhân dễ dàng. Cuối cùng, các trường cao đẳng cộng đồng đều chào đón sinh viên quốc tế. Các trường cao đẳng này cung cấp nhiều dịch vụ đặc biệt cho sinh viên quốc tế, ví dụ như gia sư miễn phí. Rất nhiều các trường cao đẳng cộng đồng cũng cung cấp khóa học ESL hoặc khóa học tiếng Anh tăng cường.

Các yêu cầu hoặc tài liệu hồ sơ đầu vào cơ bản:

– Kết quả các bài thi chuẩn hóa IELTS hoặc TOEFL (Nếu có).

– Bảng điểm THPT.

– Hồ sơ chứng minh tài chính.

Các trường đại học tư thục (University hoặc College).

Đây là các trường do tư nhân mở ra và quản lý. Học phí tại các trường này thường cao hơn các trường công. Thường thì các trường đại học và cao đẳng tư có quy mô nhỏ hơn các trường công. Tỷ lệ sinh viên quốc tế tại các trường cao đẳng và đại học tư cao hơn so với trường công, đồng nghĩa với việc dịch vụ dành cho sinh viên quốc tế chu đáo hơn, xét hồ sơ nhanh hơn và linh hoạt hơn.

Ngoài 2 Nhóm phổ biến trên, dưới đây là một số dạng trường đặc biệt cũng có Higher Education:

  • Trường chuyên nghiệp.
  • Trường công nghệ.
  • Trường kỹ thuật.
  • Trường tôn giáo.

Các yêu cầu hoặc tài liệu hồ sơ đầu vào cơ bản:

  • Kết quả các bài thi chuẩn hóa bắt buộc: IELTS hoặc TOEFL (Với chính sách riêng của một số trường, điểm IELTS hoặc TOEFL sẽ được “waived” (miễn) nếu học sinh đạt điểm SAT/ACT cao).
  • Kết quả các bài thi chuẩn hóa không bắt buộc: SAT hoặc ACT (Kết quả của 1 trong 2 kì này sẽ bắt buộc đối với các trường đại học nằm trong Top 50).
  • Bảng điểm (Transcript) của lớp 9 (THCS) và lớp 10,11 và học kì I lớp 12 (THPT).
  • Hồ sơ tài chính cố định CSS.
  • Hồ sơ tài chính cho sinh viên quốc tế.
  • Bài luận chính (Personal Statement, mỗi học sinh chỉ có duy nhất một bài luận chính).
  • Các bài luận phụ (Supplement Essays, số lượng bài luận phụ mà học sinh phải nộp tùy thuộc vào quy định của từng trường đại học. Chi tiết học sinh xem trên trang website chính thức của trường).
  • Thư giới thiệu (Recommendation Letters) từ giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn.
  • Hoạt động ngoại khóa (Extracurricular Activities) kèm theo các giấy chứng nhận tham gia (Certificate of Participation).
  • Tóm tắt hồ sơ kinh nghiệm cá nhân (Résume/CV).
  • Hồ sơ nghệ thuật (Portfolio, nếu có).
  • Các tài liệu phụ (Materials) như các bài nghiên cứu, các videos/clips,…

Thời gian học.

Khóa học.

Sinh viên Hoa Kỳ thường học rất nhiều môn học ở chương trình cao đẳng. Nhiều sinh viên không học chuyên về một lĩnh vực nào đó cho đến tận khi học đại học. Hai năm đầu cao đẳng được gọi là “Freshman” và “Sophomore”. Sinh viên năm đầu được gọi là “Freshman”, năm hai được gọi là “Sophomores”. Một số trường yêu cầu “Freshmen” và “Sophomores” học các môn học khác nhau: văn học, khoa học, khoa học xã hội, nghệ thuật, lịch sử,v.v…

Sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư được gọi là “Juniors” và “Seniors”, gọi chung là “Upperclassmen”. Khi bước vào năm thứ 3, sinh viên phải lựa chọn chuyên ngành (major). Họ phải học một số lượng các môn học nhất định trong chuyên ngành lựa chọn. Ở một số trường, sinh viên được lựa chọn chuyên ngành phụ (minor). Sinh viên luôn có thời gian để học các khóa học tự chọn.

Mỗi sinh viên đều có một cố vấn học tập, người trực tiếp giảng dạy chuyên ngành.Người cố vấn này giúp sinh viên lựa chọn chương trình học phù hợp. Một sinh viên quốc tế sẽ có một “cố vấn học tập sinh viên quốc tế”, người giúp sinh viên làm quen với cuộc sống tại Hoa Kỳ, giải quyết các vấn đề về thủ tục visa, giấy tờ, tổ chức các hoạt động cho sinh viên quốc tế.

Học tập trên lớp.

Lớp học bao gồm các giảng đường rộng đủ chỗ cho hàng trăm sinh viên, các lớp học nhỏ hơn và phòng “Seminars” (phòng thảo luận) chỉ có một nhóm vài sinh viên. Sinh viên tham dự một bài giảng sẽ được chia thành các nhóm nhỏ hơn, gọi là “Sections”. Các nhóm này sẽ thảo luận riêng về từng chủ đề của bài giảng hoặc các vấn đề khác trong sách vở.

Giáo viên luôn yêu cầu sinh viên phải đọc sách giáo khoa mỗi tuần. Mỗi kỳ, sinh viên phải viết rất nhiều báo cáo. Sinh viên phải đọc tài liệu ở nhà trước khi lên giảng đường để có thể hiểu bài và tham gia thảo luận trên lớp. Các sinh viên ngành khoa học còn phải dành thời gian thực hành trong phòng thí nghiệm.

Năm học (School Year).

Năm học luôn luôn bắt đầu vào tháng 8 hoặc tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 hoặc tháng 6. Sinh viên quốc tế nên nhập học vào mùa thu. Hầu hết sinh viên mới đều nhập học vào thời điểm này, do vậy họ có thể cùng hòa hợp với nhau nhanh chóng. Không những thế, có rất nhiều khóa học để sinh viên có thể học nối tiếp từ mùa thu đến hết năm học.

Ở nhiều trường, năm học bao gồm 2 kỳ. Ở một số trường khác lại có 3 kỳ học một năm, gọi  là “Trimester”. Một số trường lại chia năm học thành 4 kỳ, bao gồm một kỳ mùa hè.

Tín chỉ (Credit).

Mỗi khóa học được đánh giá bằng một số lượng “tín chỉ” (credit) hoặc “giờ tín chỉ” (credit hour) nhất định. Số lượng tín chỉ xấp xỉ bằng số giờ học trên lớp một tuần của khóa học đó. Mỗi môn học thường thì bao gồm 3 đến 5 giờ tín chỉ.

Một kỳ học ở hầu hết các trường bao gồm 12-15 giờ tín chỉ (4-5 môn học một kỳ). Sinh viên quốc tế phải đăng ký học cả kỳ.

Học chuyển tiếp (Transfer).

Sinh viên đang học tại một trường đại học hoặc cao đẳng, đăng ký học một trường đại học mới trước khi hoàn thành khóa học, thường thì hầu hết các tín chỉ đạt được ở trường đang học sẽ được chấp nhận ở trường đại học mới. Điều đó có nghĩa là một sinh viên có thể chuyển tiếp học một trường mới mà không phải mất thêm thời gian học lại các tín chỉ đã có.

Điểm số

Sinh viên sẽ có một điểm mỗi môn học. Điểm này dựa vào:

  • Tham gia trên lớp: Thảo luận, đặt câu hỏi. Sinh viên cần tham gia thảo luận trên lớp, đặc biệt là trong các buổi thảo luận. Đây là một yếu tố quan trọng để xác định điểm số của mỗi sinh viên.
  • Thi giữa kỳ: Bài thi này tiến hành trên lớp.
  • Một hoặc nhiều bài nghiên cứu, bài luận, hoặc báo cáo thực hành thí nghiệm.
  • Có thể có một bài kiểm tra ngắn hay thi vấn đáp ”quizzes”. Đôi khi giáo viên sẽ đặt câu hỏi bất chợt trên lớp và cho điểm. Điểm này không ảnh hưởng nhiều đến điểm cả kỳ, nhưng sẽ đòi hỏi sinh viên phải làm bài tập và lên lớp đầy đủ.
  • Thi hết môn: Diễn ra sau buổi cuối cùng trên lớp.

Chương trình AP (Advanced Placement).

Một số trường cao đẳng và đại học đánh giá sinh viên và cấp “college credit” dựa vào kết quả trung học. Một số trường cho phép sinh viên học thẳng lên lớp cao hơn, nếu sinh viên đó chứng tỏ đạt được trình độ đại học ở một môn học nhất định nào đó. Điều này có nghĩa rằng sinh viên vừa bước vào năm thứ nhất có thể học thẳng lên năm thứ 2.

Trường cũng có thể sẽ yêu cầu sinh viên phải làm một bài kiểm tra để chứng tỏ sinh viên đó có khả năng học chương trình năm 2, hoặc trường cũng sẽ dựa vào điểm đầu vào của sinh viên để xét chuyển thẳng sinh viên đó lên năm 2.

Đào tạo sau đại học

Ngày nay, một sinh viên với tấm bằng Cử nhân thường muốn học lên cao hơn để tìm được một công việc tốt.

Chương trình Thạc sỹ

Rất nhiều sinh viên quốc tế có thể có được công việc họ mong muốn với tấm bằng thạc sĩ. Các lĩnh vực như khoa học, kỹ sư, xã hội yêu cầu phải có bằng thạc sĩ. Chương trình đào tạo thạc sĩ phổ biến nhất là chương trình M.B.A (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh), thường kéo dài 2 năm. Một số chương trình thạc sĩ như báo chí chỉ mất 1 năm.

Một chương trình thạc sĩ yêu cầu sinh viên học các môn như lịch sử và triết học. Bằng thạc sĩ là một bước đệm để học lên tiến sĩ (PhD).

Chương trình thạc sỹ đều yêu cầu sinh viên dành hầu hết thời gian trên lớp. Sinh viên cần chuẩn bị một bài nghiên cứu dài gọi là luận văn thạc sĩ (master’s thesis).

Chương trình Tiến sĩ

Rất nhiều trường đào tạo sau đại học yêu cầu sinh viên phải có bằng Thạc sĩ trước khi học học lấy bằng Tiến sĩ. Một số trường cho phép sinh viên học thẳng chương trình Tiến sĩ mà không cần phải có bằng Thạc sĩ. Chương trình Tiến sĩ kéo dài 3 năm trở lên. Hai năm đầu, sinh viên phải dự giảng trên lớp và các buổi hội thảo. Sinh viên phải mất ít nhất một năm nữa để nghiên cứu thực tế, viết luận án. Luận án này cần có các phần: quan điểm, cấu trúc, nghiên cứu mà trước đó chưa được xuất bản.

Một luận án Tiến sỹ thảo luận và thể hiện sự uyên bác về một vấn đề nào đó. Một số trường đào tạo Tiến sĩ yêu cầu sinh viên phải có khả năng đọc 2 ngoại ngữ để có thể nghe giảng trên lớp, qua kỳ thi đầu vào, và bài thi vấn đáp về chủ đề luận án.

Bài viết khác

Đăng ký ngay để được
tư vấn hoàn toàn miễn phí