[VnExpress] KHÔNG NỘP ĐIỂM SAT, NAM SINH VẪN ĐỖ TRƯỜNG TOP CỦA MỸ

Quyết định không nộp điểm SAT do chỉ đạt 1440/1600 trong lần thi đầu tiên và bị huỷ 5 lần sau đó, Nguyễn Trung Kiên vẫn trúng tuyển Đại học Rice nhờ bài luận về cờ vua.

6h sáng 11/12, Kiên, 18 tuổi, cựu học sinh hệ Song bằng trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận được thư từ Đại học Rice. Nam sinh “sốc, không nói nên lời” khi dòng chữ “Congratulations” hiện ra, thông báo em trở thành tân sinh viên khoá 2022-2026 của trường.

“Em rất bất ngờ bởi đã nghĩ hồ sơ của mình không đủ mạnh khi không nộp điểm SAT. Trong khi trường em mong muốn theo học lại đứng trong top đầu ở Mỹ”, Kiên nói. Theo bảng xếp hạng đại học Mỹ của US News & World Report, Đại học Rice (Rice University) xếp hạng 17, đồng hạng với Đại học Cornell – ngôi trường trong nhóm Ivy League danh giá của Mỹ. Năm ngoái, tỷ lệ chấp nhận của Rice chỉ ở mức 9%.

Hành trình đến với Rice của Kiên đầy chông gai khi Covid-19 khiến em liên tục phải thay đổi quyết định. Ở kỳ tuyển sinh đại học Mỹ cho khoá 2021-2025 (từ tháng 11/2020 đến 1/2021) Kiên từng nộp hồ sơ ứng tuyển tới 14-15 trường. Vốn thích thử tự làm tất cả, Kiên tự tìm hiểu rồi làm hồ sơ.

Những gì em có khi đó là 8.0 IELTS, điểm trung bình học tập lớp 10 ở mức 8,6, lớp 11 là 9,1. Kiên từng tự ôn tập và thi SAT vào đầu lớp 11 nhưng chỉ đạt 1440/1600 – một mức điểm thấp, không đúng với kỳ vọng của các trường top đầu ở Mỹ, cũng thua xa các bạn ở trường. Dù sau đó đã cố gắng ôn tập và tự tin giành điểm cao hơn bởi thi SAT phụ thuộc nhiều vào việc luyện đề, Kiên vẫn không thể cải thiện điểm số bởi đăng ký 5 lần nhưng đều bị huỷ hoặc hết suất do ảnh hưởng của Covid-19. Em cũng phải bỏ một lần thi ACT với lý do tương tự.

Với số điểm “khiêm tốn” cùng một vài hoạt động ngoại khoá như tham gia câu lạc bộ Cờ vua, Truyền thông của trường, tham gia Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc, và bài luận mà tự em đánh giá là “chỉ có 10% con người thật của em”, Kiên trượt gần hết. Chỉ hai trường cho em cơ hội nhưng với Kiên, nó như “tấm vé vớt”. Em quyết định không nhập học và được gia đình ủng hộ bởi bố mẹ đều nghĩ em chưa đủ kỹ năng để sẵn sàng đi học xa nhà.

Đến tháng 8, trong khi nhiều bạn lên đường sang Mỹ, Kiên bắt đầu hành trình ứng tuyển lại và đặt mục tiêu phải đến Đại học Rice để học ngành Tài chính, sau khi tìm hiểu và lựa chọn kỹ càng. Bài học “tự làm, tự thất bại” khiến Kiên thay đổi ý định. Lần đầu thử sức không thành nên em quyết định tìm tới một trung tâm tư vấn du học để nhận lời khuyên”, Kiên chia sẻ. Bắt đầu rà lại những gì mình có, Kiên đắn đo trước mức 1440/1600 SAT. Theo College Transitions, ở kỳ tuyển sinh cho khoá 2021-2025, điểm SAT của những thí sinh trúng tuyển Rice hầu hết ở mức 1500-1560/1600. Với khoá trước đó, 93% thí sinh trúng tuyển đứng đầu lớp trung học của họ. Kiên quyết định không nộp điểm SAT nữa với hy vọng trường tự hiểu do Covid-19, em không thể dự thi.

Điểm học tập cải thiện từ 8,6 vào lớp 10 lên 9,4 ở lớp 12 cùng IELTS 8.0 và số hoạt động ngoại khoá vẫn như năm ngoái, Kiên hiểu khả năng đỗ hay trượt phụ thuộc rất nhiều vào bài 4 bài luận, đặc biệt là bài luận cá nhân (Personal Statement) dài 650 chữ, thể hiện suy nghĩ hay quan điểm bản thân.

Nhớ lại năm ngoái, Kiên cho biết đã viết về quá trình đi thiền và cố gắng thay đổi sự ít nói của mình. Kiên kể đã tự đọc những bài luận được cho là xuất sắc. Gần như tất cả viết về một sự kiện đáng nhớ làm thay đổi cuộc đời, tính cách, quan điểm nào đó. Do không có ai góp ý, em cũng đã làm theo để rồi không rút ra được một bài học ý nghĩa nào ở phần kết. Phần lớn bài viết mang tính gượng ép không giống với con người em.

Năm nay, với sự gợi ý của người có kinh nghiệm, Kiên hiểu rằng đó không phải là hướng đi duy nhất. Em liền suy nghĩ rộng ra rồi nghĩ đến một bài luận xoay quanh cờ vua – môn thể thao trí tuệ yêu thích từ bé. Nghĩ được đến vậy nhưng Kiên vẫn xoay xở trong nhiều tháng bởi những suy nghĩ xung quanh nó. Em từng tính sẽ viết về chiến thật chơi cờ hay một kỷ niệm, bài học nào đó trong một lần chơi, thi đấu môn này. Những ý tưởng cứ lướt qua trong đầu Kiên khiến em không thể sớm có bài luận hoàn chỉnh mà chỉ hoàn thành trước thời điểm nộp hồ sơ đúng một ngày.

Chị Mai Nguyễn, người hỗ trợ Kiên xây dựng bài luận, đã nghĩ Kiên không thể hoàn thành khi hạn chót cận kề. Ngay cả khi Kiên báo đã viết xong, chị cũng nghĩ có lẽ nó chỉ dừng lại ở chiến thuật chơi cờ rồi từ đó rút ra một bài học. Thế nhưng, bài viết khi “nước đã lên tới cổ” của Kiên lại gây bất ngờ. Trong bài, Kiên cho biết khi chơi cờ, em nhận thấy mọi quân cờ đều có giá trị riêng của nó. Ngay cả “tốt” – quân thấp nhất mà nhiều người vẫn hay coi thường, cũng có vai trò rất quan trọng. Khi tới được hàng cuối cùng của bàn cờ đối diện, nó sẽ được phong cấp thành một trong các quân “hậu”, “tượng”, “mã” hoặc “xe” theo ý của người chơi và có thể thành nhân tố xoay chuyển cục diện ván cờ. Kiên cho rằng quân “tốt” trong bài cờ là đại diện cho số đông, cho “những con người bình thường” trong xã hội nhưng lại đóng vai trò quan trọng hơn cả. Kết thúc bài, em đưa trích dẫn của nhà ngoại giao Pháp Paul de Foix: “Mất một con tốt có thể là một vấn đề nhỏ, nhưng tổn thất đó sẽ là tổn thất của cả một ván đấu”.”Chi tiết liên hệ vị trí của từng quân cờ với vai trò của các tầng lớp khác nhau trong xã hội rất đắt. Nó bộc lộ điểm mạnh của Kiên là cách tư duy bao quát, góc nhìn độc đáo về các vấn đề và luôn có sự suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi nói hoặc viết. Quan điểm của Kiên thể hiện sự quan sát nhạy bén với các vấn đề xã hội, cuộc sống và có lẽ đó là mấu chốt thuyết phục nhà tuyển sinh”, chị Mai chia sẻ.

Hồ sơ ứng tuyển vào các đại học Mỹ thường bao gồm bảng điểm THPT; điểm SAT/ACT; chứng chỉ chứng minh trình độ tiếng Anh; thư giới thiệu; tờ khai tài chính; CV hay Portfolio tổng hợp những dự án ứng viên từng tham gia; bài luận cá nhân và một số bài luận phụ bày tỏ lý do chọn trường, chọn ngành. Từ kỳ tuyển sinh năm 2021-2022, nhiều đại học không đưa điểm SAT làm yêu cầu bắt buộc. Đại học Rice cũng nằm trong số này. Tuy nhiên, trường vẫn khuyến khích ứng viên có điểm SAT, đặc biệt là với ứng viên quốc tế. Mức điểm mong muốn ứng viên đạt được là từ 1500. Lý do Kiên và cả chị Mai Nguyễn cho rằng bài luận quyết định là vì mọi điểm số, hoạt động của em giống với hồ sơ năm ngoái em nộp, chỉ bỏ không nộp SAT và có bài luận khác biệt.

Trúng tuyển Đại học Rice, Kiên thấy được là chính mình chứ không bị gượng ép như năm ngoái. Vẫn ít nói, chàng trai Hà Nội hy vọng cải thiện được khả năng giao tiếp, học lấy bằng lái xe và tiếp tục công việc thực tập tại một công ty bất động sản trước khi sang Mỹ nhập học vào tháng 8/2022.

Theo báo VnExpress.

Bài viết khác

Đăng ký ngay để được
tư vấn hoàn toàn miễn phí